Đường là một loại gia vị tạo sự ngọt ngào không thể thiếu trong cuộc sống nhưng nó sẽ là ác mộng cho những ai “hảo ngọt” và mắc các chứng bệnh tim mạch, huyết áp, đặc biệt là tiểu đường. Đường được chia thành nhiều loại khác nhau, tùy nguồn gốc, độ ngọt và giá trị dinh dưỡng khác nhau. Vì thế, không đường nào giống đường nào và không phải đường nào cũng hại cho sức khỏe nếu sử dụng đúng.
Có bao nhiêu loại đường?
Có rất nhiều loại đường khác nhau trên thế giới này. Tùy thổ nhưỡng và điều kiện thời tiết mà mỗi quốc gia sẽ sử dụng các nguyên liệu khác nhau để làm chất tạo ngọt như: mật ong, mía, củ cải đường, cây thốt nốt, nhựa cây thích, cây bắp ngô, cỏ ngọt stevia…đến những loại đường làm từ trái cây sấy khô như nho, chà là… Ngoài ra, chất lượng đường còn phụ thuộc vào chất lượng nguyên liệu và phương thức sản xuất thô hay tinh luyện.
Có thể kể ra một số loại đường thông dụng mà chúng ta dùng thường xuyên như: đường trắng tinh luyện, đường nâu, đường mật mía, đường thô, mật ong, các loại siro và hoa quả sấy khô. Và nếu vẫn còn lo lắng :”Ăn đường nào tốt cho sức khỏe?” thì hãy cùng Happy Life Retreat tham khảo một số loại đường tốt ngay sau nhé!

5 loại đường tự nhiên tốt cho sức khỏe:
Mật ong
Mật ong là chất làm ngọt đã được phát triển và sử dụng hàng ngàn năm trước. Với đặc tính chống khuẩn và kháng viêm cao, mật ong còn được sử dụng như một loại thuốc ho và thuốc cảm cúm tự nhiên. Nhìn chung, mật ong được xem là một loại chất tạo ngọt tốt hơn đường nhưng chỉ nên dùng với số lượng vừa phải vì chúng chứa hàm lượng calo và carbohydrate cao.
Đường cỏ ngọt Stevia
Đường cỏ ngọt là một loại đường làm từ lá của cây Stevia Rebaudiana có nguồn gốc ở Brazil và Paraguay. Loại đường này có vị ngọt hơn đường thông thường đến 30 – 150 lần, có tác dụng ổn định đường huyết và an toàn cho sức khỏe. Hiện nay, nhiều loại thực phẩm, trà, bánh dành cho người bệnh tiểu đường thường sử dụng cỏ stevia để làm chất tạo ngọt thay vì đường trắng.
Do không chứa đường và calo, đường stevia sẽ mang đến nhiều lợi ích sức khỏe khi sử dụng trong chừng mực.Tuy nhiên, stevia có vị ngọt hơi khó chịu với những người mới thử lần đầu, bạn sẽ phải mất thời gian để làm quen dần. Và như mọi chất ngọt khác, chúng ta cũng không nên lạm dụng đường stevia.
Đường mía thô (đường nâu/đường mật mía)
Cũng là loại đường làm từ cây mía nhưng không qua quá trình tinh chế nên giữ được các khoáng chất, chất dinh dưỡng và nước từ mật mía. Bên cạnh đó, về mặt tính toán, với lượng đường trắng tương đương, nếu bạn dùng đường mật mía thì bạn đang ăn ít đường hơn cho mỗi khẩu phần.
Siro cây phong (siro cây thích)
Nhà khoa học Navindra Seeram thuộc trường Đại học Rhode Island (Mỹ) đã phát hiện trong siro cây phong có chứa đến 20 thành phần có lợi cho sức khoẻ con người. Trong đó đa phần là những hoạt chất chống oxy hóa, dưới dạng các hợp chất phenolic, giúp giảm các gốc tự do, góp phần ngăn ngừa hình thành bệnh ung thư và mãn tính.
Ngoài ra, chỉ số đường huyết GI (Glycemix Index) của siro cây phong cũng thấp hơn so với đường tinh luyện nên sử dụng vừa phải sẽ rất tốt cho sức khỏe.
Đường từ hoa quả sấy khô như chà là/nho khô
Trong các loại hoa quả sấy khô đều chứa rất nhiều vitamin, axit amin và khoáng chất tương tự hoa quả tươi. Qua quá trình sấy/phơi khô, lượng nước và lượng chất dinh dưỡng trong quả cũng bị hao hụt đi đôi chút. Bù lại, đây là nguồn cung cấp chất tạo ngọt và năng lượng tuyệt vời cho cơ thể.
Tuy nhiên, món ngọt này chứa rất nhiều calo và đường ngọt nên ăn nhiều cũng có thể gây hại cho sức khỏe đấy.
Lưu ý:
Trên đây đều là những loại đường tốt cho sức khỏe nhưng không vì vậy mà chúng ta có thể sử dụng quá đà. Dù lựa chọn bất kỳ chất tạo ngọt nào, hãy luôn cố gắng hạn chế sử dụng chúng tối đa để tránh gây hại cho cơ thể về lâu về dài.