Bệnh tiểu đường là một trong những chứng bệnh thời đại mà bất kỳ ai trong chúng ta cũng sợ hãi khi phải đối diện với nó. Và đường hay các món ngọt được xem là thủ phạm hàng đầu của căn bệnh nguy hiểm này. Nhưng đường lại mang đến một sự mê hoặc khó cưỡng với bất kỳ ai, vậy làm sao để chúng ta ăn đường mà không sợ bệnh tiểu đường?
Sự thật bệnh tiểu đường do ăn quá nhiều đường?
Bệnh tiểu đường là một bệnh mãn tính, biểu hiện là lượng đường trong máu luôn cao hơn mức bình thường do cơ thể bị thiếu hụt hoặc đề kháng với insulin. Insulin là một hoạt chất quan trọng giúp hấp thu glucose trong thức ăn và chuyển hóa thành năng lượng hoạt động cho cơ thể. Khi insulin hoạt động kém, quá trình chuyển hóa đường trong máu cũng bị rối loạn và tích trữ trong máu – dẫn đến bệnh tiểu đường.
Như vậy, ăn các món nhiều glucose như bánh mì trắng, cơm trắng, đường ngọt, nước có gas, kẹo… cộng với lối sống ít vận động sẽ khiến lượng đường hấp thụ vào máu nhanh, đường huyết tăng đột ngột kéo dài sẽ nhanh dẫn đến bệnh tiểu đường. Và có thể nói: ăn ngọt dẫn đến bệnh tiểu đường? Điều này đúng nhưng chưa đủ! Theo các bác sỹ, tiểu đường còn do một số nguyên nhân khác như lối sống không lành mạnh, béo phì…
Làm sao vẫn ăn đường nhưng vẫn duy trì chỉ số đường huyết lành mạnh?
Các món ngọt luôn hấp dẫn và khó chối từ phải không nào? Nhưng đó sẽ là rắc rối nếu chúng ta không kiểm soát đường huyết và dẫn đến những nguy cơ khôn lường cho sức khỏe.
Theo các chuyên gia Naturopathy và các bác sỹ, người bệnh tiểu đường nên hạn chế dùng các loại thực phẩm có vị ngọt nhưng cũng không cần phải kiêng khem hoàn toàn.
Trước tiên, chúng ta nên thay thế và chỉ sử dụng các nguồn tạo ngọt an toàn cho sức khỏe như mật ong, mật mía, quả chà là với liều lượng thích hợp. Việc này sẽ giúp kiềm chế cảm giác thèm ngọt hiệu quả nhưng vẫn duy trì mức đường huyết khỏe mạnh.
Sau đó, chúng ta có thể lựa chọn những loại hoa quả có vị ngọt tự nhiên nhưng chỉ số đường huyết thấp như: táo, dâu, bưởi, thanh long, ổi… để thay thế các món ăn vặt yêu thích nhưng chứa đường và chất béo cao như snack, bánh quy bơ, bánh nướng. Ngoài ra, bạn cũng có thể uống nước ép rau củ hay trái cây tươi sống cũng vô cùng ngon miệng, ngọt tự nhiên mà không lo tổn hại đến sức khỏe.
Các chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới khuyên chúng ta nên áp dụng thực đơn dinh dưỡng có tỷ lệ thành phần dưỡng chất hợp lý: 50% carbohydrate, 30% chất béo và 20% chất đạm. Theo đó, chúng ta có thể cân chỉnh sao cho 50% carbohydrate tiêu thụ trong bữa ăn sẽ bao gồm các loại ngũ cốc nguyên hạt chậm hấp thu, các loại hạt và đường tạo ngọt tự nhiên. Khi ăn carbohydrate lành mạnh này, chúng sẽ hấp thụ chậm vào máu, một phần giúp chúng ta no lâu, một phần giúp cân bằng lượng đường huyết trong cơ thể hiệu quả.

5 lời khuyên dành cho bạn để nói không với tiểu đường
1. Hãy cố gắng cắt giảm tối đa lượng đường, chất tạo ngọt vào món ăn
2. Ăn trái cây tươi thay vì bánh quy, bánh ngọt, chocolate hay bánh quy giòn
3. Ăn salad và rau củ sống vào mỗi buổi ăn và giảm bớt lượng thực phẩm khác lại.
4. Uống nước ép rau củ và trái cây tươi thay vì nước giải khát, bia rượu.
5. Ăn nhiều rau đậu, ít ngũ cốc hơn. Thưởng thức món soup trong các bữa ăn, và giảm các món ăn khác lại.
Nguồn tham khảo:
https://www.popsci.com/healthiest-way-to-eat-sweet-foods
http://soha.vn/nguoi-lam-du-4-viec-nay-se-khong-con-lo-bi-benh-tieu-duong-tan-cong
https://dantri.com.vn/suc-khoe/an-qua-nhieu-trai-cay-co-the-gay-dai-thao-duong-typ-2-khong
https://hellobacsi.com/chuyen-de/tieu-duong/tieu-duong-tuyp-2-nen-va-khong-nen-an-gi/
http://www.bepthucduong.com/download-bi-kip/tim-hieu-ve-duong-duong-huyet/
https://baomoi.com/9-loai-trai-cay-co-chi-so-duong-huyet-thap